Người trong bóng tối



 Paul Auster thường bắt đầu truyện không hứa hẹn lắm. Có lẽ là do ám ảnh bởi cái cuốn "New York Trilogy", nó khiến tôi mệt như đấu vật. Nhưng tới cuốn thứ hai này thì mọi chuyện rất khác. Nhịp truyện từ đầu tới cuối bình bình thôi, cũng không có cao trao gì cả nhưng nó cứ cuốn mình đi cho tới tận cuối cuốn sách. Vậy thì tình tiết ắt hắt phải có gì đó gợi lên trong lòng mình nhiều cảm xúc.

Khi đã về già, ngồi xe lăn, đối diện hiện thực là người vợ vừa mất, đứa con đã ly dị chồng và đứa cháu gái thì đang trong giai đoạn khủng hoảng của cuộc đời. Người đàn ông đó ngồi trong bóng tối, lòng đầy day dứt với người thân và nhất là những sai lầm của tháng năm tuổi trẻ. Ông ngồi tưởng tượng trong đầu những câu chuyện đầy tính siêu hình. Nhân vật nam bị ném vào một thế giới đầy chết chóc của chiến tranh. Nhiệm vụ của anh ta là phải quay về đời thực giết chết chính tác giả thì anh ta mới lấy lại được cuộc sống vốn có của mình. Cái anh chàng này lại chính là hiện thân của tác giả khi mà anh ta mang tính cách và cả những ẩn ức từ thủa thiếu thời của tác giả. Dĩ nhiên là anh ta chẳng làm được gì cả, toàn bi kịch, vì thực ra anh ta sống chết thế nào là do trí tưởng tượng của ông cụ ngồi trong bóng tối kia. Anh ta kết thúc chuyến phưu lưu của mình là một cái chết rất chóng vánh. That's all!

 Thực ra, cái mà tôi ấn tượng nhất là những trường đoạn ông cụ nói chuyện với cô cháu gài Katya về những bộ phim hai ông cháu cùng xem. Có những nhận xét hết sức nhẹ nhàng và tinh tế. Hay đoạn vừa buồn vừa xúc động khi ông kể về người vợ, từ lúc làm quen, nụ hôn đầu đời, cho tới lúc cưới, rồi ông bỏ đi theo người đàn bà khác. Cuộc tình thứ 2 này không hạnh phúc vì dấu ấn người vợ đầu trong ông quá đậm nét, rốt cuộc khi cô này bỏ ông đi theo người khác thì ông thấy mình rớt vào tận cùng khủng hoảng. 9 năm sau trở về gặp lại vợ nhân dip con gái ông lấy chồng, ông thấy mình là nhà vô địch của những thằng ngu khi chợt nhận ra không có sự hận thù nào từ người vợ, chỉ có sự thương cảm sâu sắc ở bà dành cho ông. Cái đoạn hai ông bà lo lắng khi đứa con gái lập gia đình quá sớm, như là đã đi theo vết xe đổ của chính đời mình. Nhưng điều mà ông chỉ có thể thốt lên là hy vọng vào những điều tốt đẹp - khá là sáo rỗng nhưng biết nói gì hơn với tuổi trẻ. Chúng ta vào đời, chúng ta mắc sai lầm, chúng ta ân hận và trưởng thành. Chẳng thể khác được. Truyện không gây nên những cơn co thắt tim, nó đáng yêu theo kiểu riêng, rất gần với cuộc sống.

 Tôi thấy Auster không quá khắc nghiệt, kết truyện ông vẫn nhìn vào những hy vọng. Rốt cuộc thì dù gặp chuyện gì thì cuộc đời chúng ta sẽ vẫn luôn còn hy vọng. Đọc sách xong tôi nghĩ là đây là sách mà những người trẻ nên đọc, hoặc đơn giản là tôi ước mình đọc khi còn trẻ.

Comments

Popular posts from this blog

Cách vượt qua cơn buồn chán hay là bạn đang quá rảnh mà không biết làm gì.

Bức xạ Hawking

Làm sao review sách mà không cần đọc