Những ngày này

Tôi đi Sài Gòn với hành trang gọn nhất có thể. Tôi đặt phòng ở một khách sạn nhỏ gần Bùi Viện cho dễ đi lại, mà hoá ra nó đã ngừng hoạt động từ lâu, có lẽ do Covid. Lúc bình thường thì khoảng thời gian này cũng ít khách. Tôi đứng ở sân bay gọi về ks không được, nửa đêm đi tìm phòng cũng ngại, tôi sang khu sân bay quốc tế tính tìm chỗ sạc pin điện thoại thì phát hiện ra bên này vừa vắng vẻ, vừa mát. Tôi quyết định ở luôn sân bay cho tới sáng rồi vào thành phố đặt ks sau. Tính tôi thích lang thang một mình, và trãi nghiệm ở sân bay một đêm làm tôi nhớ tới Tom Hank trong The Terminal.

Tôi tìm tới hàng ghế vắng người, lôi kindle ra đọc về hành trình của Herodotus. Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn này khá nhiều lần nhưng đọc xong hầu như chẳng nhớ gì, chỉ biết là nó hay bỏ mẹ thôi. Lần này đọc lại tôi mới phát hiện ra là đối với một cuốn sách không viết theo kiểu tuyến tính, lại đan xen quá khứ và hiện tại, không gian kéo dài như vô tận thế này thì đọc quá nhanh là rất ngu ngốc. Tôi đã không có thời gian tiếp nhận thông tin và suy ngẫm về nó: Tôi biết về Khổng giáo và Đạo giáo nhưng chưa hề biết đó là lựa chọn để con người ta có thể sống sót:
Vào thời gian khoảng 500 năm trước CN, nước Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy và chiến tranh liên miên. Và thường là người dân vô tôi bị tàn sát dã man. Sống trong một xã hội loạn lạc như vậy, nhu cầu được sống sót nó cấp thiết hơn bao giờ hết.

 Khổng Tử cho rằng, con người sinh ra trong xã hội nên phải có một bổn phận nhất định. Nhưng bổn phận quan trọng nhất là thực hiện mệnh lệnh của chính quyền và phục tùng cha mẹ. Tiếp theo là kính trọng tổ tiên và truyền thống. Giữ nghi lễ một cách nghiêm ngặt. Tuân theo trật tự có sẵn và không sẵn lòng thực hiện những thay đổi. Nếu anh thực hiện các mệnh lệnh của chính quyền một cách ngoan ngoãn và tận tâm, anh sẽ sống sót.

Lão Tử thì nghĩ khác.

 Ông cho rằng không có gì là mãi mãi, vì vậy đừng trói buộc mình vì bất kỳ điều gì. Hãy hành động thông qua không hành động, sức mạnh của anh là sự bất lực và yếu đuối, khôn ngoan của anh là không biết và ngây thơ. Nếu muốn tồn tại thì hãy trở nên vô dụng, không cần thiết cho ai.

 Khổng giáo là triết lý của chính quyền, quan chức, của cơ cấu, trật tự và tư thế đứng nghiêm; triết lý của Đạo giáo là sự khôn ngoan của những người từ chối tham gia cuộc chơi và chỉ muốn trở thành một tiểu thể của thiên nhiên vốn dĩ vô tình với tất cả.

*
Mấy hôm nay tôi mới biết tới khái niệm "New normal - bình thường mới" khi người ta nói về Covid. Làn ranh giới chống dịch không đơn giản chỉ là giữa những quốc gia, giữa các tỉnh thành, giữa những toà nhà, những cánh cửa nữa, mà còn là ranh giới giữa những cá nhân. Vậy là những cuộc trò truyện, những cái bắt tay, những nụ hôn, và với tôi thì quan trọng nhất - những cái ôm đã trở thành một mối hiểm nguy thường trực.

Tôi từng nghĩ tới cái chết nhiều lần trong đời. Chỉ đơn giản là tôi muốn hiểu ý nghĩa của nó. Về cơ bản tôi mong mình chết đi theo cách ít làm phiền đến người khác nhất. Tôi không thích nhạc đám ma, tôi muốn đi thật nhanh, tro cốt đươc rải xuống biển, thửa đất người ta tính dành chôn tôi xin hãy dùng vào một việc gì hữu ích hơn, trồng một cái cây chẳng hạn. Còn tôi tan biến vào hư không, và linh hồn tôi, nếu có tồn tại sẽ bay lên trời cao, tới các tinh tú. Tôi đã luôn tò mò về chúng khi còn sống, vậy nếu chết, hãy cho tôi tới gần chúng hơn. Lãng mạn phải không nào :)

*
Tôi đi dạo quanh quận một với một trách nhiệm là phải có một ngày dành riêng cho bé Mận. Một hành trình qua những con phố quen và lạ. Qua bảo tàng, qua Tôn Thật Đạm, qua công trường tàu điện ngầm, qua phố Nguyễn Huệ, qua toà nhà công ty cũ của Bé, qua bến Bạch Đằng. Hàng người lưa thưa và bầu trời xám xịt. Gió thổi hoa bụi đầy trời, những áng mây nặng trịch. Đàn bồ câu vô tư lự và cánh buồm bên bến sông.
Phố vắng, người đàn ông uống dở ly cà phê ngủ gục bên ghế tựa. Bầy trẻ con chơi đùa với lũ bồ câu. Tôi đứng dưới toà nhà Sunwah, nhìn cái cây đong đưa theo gió chiều với một tình cảm ngây thơ trìu mến. Tôi thấy thế giới như ngừng lại giây lát. Giá mà..Bé ở đây!

*
Có những điều nhỏ bé mà Sài Gòn luôn làm tôi xúc động. Đó là lời mời của bác xe ôm khi thấy tôi lướt qua với cái chân bị chập cheng "Đi xe không em trai", lời mời lịch sự với nụ cười thường trực.
Đêm tôi mò ra đường mua đồ ăn tối. Trời rả rích mưa. Có bà Sáu bán đồ ăn đêm, từ bánh mỳ cho đến cơm chiên. Tôi chọn cơm và nói chuyện phiếm với bà. Tôi ngồi chủ động kể qua loa về mình, hỏi thăm bà về công việc trong mùa dịch, chuyện những đứa con có chịu ra giúp bà mỗi đêm khuya thế này. Bà vui vẻ tâm sự với tôi về tất cả những điều thường ngày. Ai đó cũng dễ mở lòng với bạn nếu bạn cũng mở lòng với họ.

*
Tôi đã về tới Hà Nội an toàn và không bị cách ly, điều làm tôi luôn thấy nơm nớp. Tôi phải đi làm, phải lên công ty, dù trước đó sếp đã nhắn cho tôi có thể work from home được.
Tôi ngồi trong xe nhìn qua cửa kính, làn mưa lướt qua thành cầu nơi có ánh sáng đủ màu lập loè.








Comments

Popular posts from this blog

Cách vượt qua cơn buồn chán hay là bạn đang quá rảnh mà không biết làm gì.

Bức xạ Hawking

Làm sao review sách mà không cần đọc