Những ngày này
Hôm nay tôi bay vào Sài Gòn lần thứ hai trong tháng. Giữa hai thành phố tôi qua lại, một bên là nắng vàng gió lộng, một bên là cơn mua lâm râm cuối mùa. Đường phố vẫn nhộn nhịp người qua lại. Tôi vòng qua những con hẻm, chọn lối qua đường cho người đi bộ, vượt qua ngã tư. Tất cả những con đường quen, ánh đèn vụt qua trước mắt. Những vết bùn bắt đầu bám dính vào đôi giày trắng tinh tươm của tôi. Tôi không xa lạ với thành phố này, chỉ cảm thấy chút trống vắng. Tính rủ ai đó đi cafe, cô bé bên trời Âu bảo tôi trời mưa uống cafe sẽ rất thích, nhưng vấn đề là thứ sáu trời mưa, xong việc người ta sẽ muốn về nhà hơn là la cà ở đâu đó. Và nếu phải đi uống cafe với ai đó, hẳn người đó phải rất quan trọng.
Tôi ngồi trong khách sạn, ánh đèn tường chiếu mờ mờ lên căn phòng nhỏ. Remote của điều hòa chỉ 24 độ nhưng tôi không cảm thấy chút hơi lạnh nào. Ngay cả cái điều hòa cũng không ủng hộ mình thế đấy. Những lúc thế này tôi thèm đọc cái gì đó, hy vọng nó sẽ cuốn mình vào một thế giới khác. Nhưng không có cuốn nào như vậy. Tôi đang đọc dở cuốn Định lý goden của tác giả Phạm Việt Hưng. Định lý Goden, hay còn gọi là định lý bất toàn này chia làm hai định lý con. Diễn giải kiểu bình dân thì thế này:
Định lý một: Luôn tồn tại những mệnh đề toán học mà không thể khẳng định là chúng đúng hay là sai
Định lý hai: mọi hệ logic đều không thể chứng minh được tính nhất quán của mình.
Hai định lý ấy dẫn tới một hệ quả là: Luôn tồn tại những bài toán không giải được, trong triết học sẽ hiểu là không phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời. Định lý hai chỉ ra rằng, dù là toán học cũng tồn tại điểm yếu.
Ông Hưng trách móc Hilbert đã không thừa nhận định lý Goden dẫn tới rất nhiều nhà toán học đã đổ công sức xuống biển để xây dựng Siêu toán học. Ông đề xuất một cách tiếp cận mới để hiểu thế giới ngoài kia, và ông chắc như đinh đóng cột rằng Logic không thể lý giải được vũ trụ mà chúng ta đang sống.
Có lần tôi đọc thấy ông Hưng viết trên Blog , khi người ta phát hiện ra trường Higgs - trường giúp tạo ra khối lượng cho vật chất thì ông lại hỏi thế cái gì tạo ra trường Higgs đó. Dĩ nhiên các nhà khoa học cũng chưa thể trả lời được. Những vấn đề ở đây là, nếu ai đó phát hiện ra A thì sẽ có người hỏi cái gì tạo ra A, nếu trả lời là được rằng B tạo ra A thì bọn đó lại hỏi cái gì tạo ra B.... Và như vậy đây là vòng lặp bất tận không có điểm dừng, và cái bọn hỏi thì nhiều chứ người bỏ công tìm hiểu thì lại ít. Hỏi bao giờ chả dễ hơn làm.
Khi quan sát vũ trụ ngày càng giãn nở ra. Các nhà khoa học cho rằng có khả năng là đã có thời điểm mọi vật chất tụ lại một chỗ với mật độ vô cùng lớn. Đó là nội dung thuyết Big Bang. Tại điểm vũ trụ có mật độ vô cung lớn đó thì theo thuyết tương đối rộng, không gian và thời gian sẽ bị bẻ cong đến vô hạn, dẫn tới thời gian trước vụ nổ hình thành vũ trụ không tồn tại. Nếu trước đó đã không tồn tại thời gian thì kiểu câu hỏi trước khi vũ trụ hình thành (trước Big Bang) thì nó là cái gì là vô nghĩa. Có thời gian đâu mà hỏi nó là cái gì. Đây là điểm mấu chốt, rằng nếu thuyết Big Bang mà đúng thì đó là câu trả lời cho bọn cứ hay thích hỏi theo kiểu vòng lặp bất tận kia.
* Tôi viết những dòng này với chút bực bội. Tôi thích định lý bất toàn, nó chỉ ra không có gì là toàn vẹn, ngay cả đến logic và toán học cũng có điểm yếu chí mạng. Nhưng tôi không thích những người hả hê với nó, rằng thôi quên logic đi, nó chả giải quyết được hết mọi chuyện, xám hối đi, hãy tin vào trực giác bla bla.
Tôi nhớ tới những lời cuồi cùng của Hawking, ông tin định lý bất toàn và nói rằng, có thể sau bao nhiêu nỗ lực thì con người vẫn không thể tìm được câu trả lời rốt ráo cho những vấn đề vật lý cơ bản nhất.
Tôi đồng cảm với ông, nhưng cho dù là thế thì con người vẫn sẽ tiếp tục con đường đó mà tiến lên thôi.
* Thôi không nói chuyện khoa học nữa.
Việc cần làm bây giờ là đi tìm hàng bún đậu ngon thật là ngon và chờ bạn về ăn và chém gió cùng mình.
Vâng, năm nay Nobel văn chương vinh danh một nhà thơ Mỹ. Lập tức tôi tự hỏi, làm thơ bên Mỹ có sống được không?
Dù sao, tôi thấy thơ và bún đậu cũng có chút liên quan. Đó là Hạnh phúc chúng ta cũng giản đơn thôi.
Hà Nội lại đang tiết thu mát mẻ kèm nắng vàng rực rỡ. Ăn bún đậu xong thì ra Hồ Tây ngắm hoàng hôn, em ạ.
Comments
Post a Comment